Sự tích Tết Nguyên Tiêu: Phần thưởng cho trí khôn và lòng tốt

Tết Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á nói chung và là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc cũng như tết Thượng Nguyên tại Việt Nam nói riêng. Là một ngày lễ có thể xem là quan trọng, bạn đã bao giờ nghe nói đến sự tích xuất hiện của ngày Tết Nguyên Tiêu này chưa?

Tết Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á nói chung và là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc cũng như tết Thượng Nguyên tại Việt Nam nói riêng. Trong ngày này có nơi thậm chí còn quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Là một ngày lễ có thể xem là quan trọng, trong tâm linh mỗi người. Nhưng bạn đã bao giờ biết đến sự tích xuất hiện của ngày tết Nguyên Tiêu này chưa, hãy cùng tìm hiểu nhé.

Sự tích 1: Chuyện loài người đánh lừa Thiên Đế

Theo truyền thuyết, thời xưa mãnh thú hoành hành, làm hại nhiều bách tính dân lành và gia súc, gia cầm. Dân chúng chịu nhiều uất ức, bèn quyết vùng lên đánh đuổi lũ thú dữ này. Lúc này có Thần Điểu bay lạc, rơi xuống nhân gian rồi bị bắn chết. Thiên Đế hay tin thì nổi cơn thịnh nộ, lập tức hạ chỉ sai thiên binh, thiên tướng hạ phàm vào ngày rằm tháng Giêng để phóng hỏa thiêu đốt nhân gian. Con gái Thiên Đế có tấm lòng tốt bụng, không nỡ nhìn dân chúng lầm than bèn trộm cưỡi Tường Vân xuống trần, loan tin cho dân chúng. 

Bách tính nghe được tin này thì như sét đánh ngang tai, nhất thời hoảng loạn không biết nên xử trí ra sao mới thỏa. Lúc sau, có một người già nghĩ ra cách hay: “Ngày 14, 15, 16 tháng Giêng, nhà nào cũng phải chưng đèn, đốt pháo rực rỡ. Phải dùng đèn lồng đỏ, thả hoa đăng, đèn trời để nhân gian tràn ngập sắc đỏ, rộn ràng âm thanh. Thiên Đế từ trên cao nhìn xuống sẽ tưởng rằng trần gian đã cháy cả rồi!”

Mọi người nghe xong đều cảm thấy đây đúng là cao kiến, vội vàng về nhà chuẩn bị đồ trang trí. Đến ngày 14, Thiên Đế nhìn xuống trần gian thì phát hiện nơi nơi đều đỏ rực, ồn ĩ huyên náo, ba ngày ba đêm không dứt. Ngài cho rằng chúng sinh đã gặp quả báo bèn không phái thiên binh xuống nữa. Cũng nhờ vậy mà bách tính mới được an toàn. Về sau, để ghi nhớ công ơn của công chúa con trời và sự kiện này, cứ đến ngày rằm tháng Giêng, nhà nhà sẽ đốt pháo, chăng đèn hoa rực rỡ. 

Sự tích 2: Hán Văn Đế kỉ niệm bình định được họ Lữ

Truyền thuyết kể rằng, tết Nguyên tiêu là do Hán Văn Đế đặt ra nhằm kỉ niệm việc “bình Lữ” 平吕 (bình định được họ Lữ). Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 mất, con của Lữ Hậu là Lưu Doanh 刘盈 lên ngôi tức Hán Huệ Đế. Huệ Đế tính tình nhu nhược, không quyết đoán, đại quyền dần về tay Lữ Hậu. Sau khi Hán Huệ Đế mất, Lữ Hậu nắm giữ triều chính, biến thiên hạ của họ Lưu thành thiên hạ của họ Lữ. Các lão thần trong triều cùng tông thất họ Lưu căm phẫn, nhưng đều sợ sự tàn bạo của Lữ Hậu nên không dám nói.

Sau khi Lữ Hậu mất, con cháu họ Lữ nơm nớp lo sợ không yên. Vì thế, Thượng tướng quân Lữ Lộc 吕禄đã bí mật tập hợp họ Lữ bàn mưu gây loạn để đoạt lấy giang sơn của họ Lưu. Sự việc truyền đến tai một tôn thất họ Lưu là Tề vương Lưu Nang 刘囊. Để bảo vệ giang sơn, Lưu Nang quyết định khởi binh thảo phạt họ Lữ nên đã liên hệ với các vị lão thần khai quốc như Chu Bột 周勃, Trần Bình 陈平 tìm cách trừ Lữ Lộc. “Loạn chư Lữ” cuối cùng được dẹp yên.

Sau khi bình định được loạn, chúng thần lập người con thứ 2 của Lưu Bang là Lưu Hằng 刘恒 lên ngôi, xưng là Hán Văn Đế. Văn Đế cảm thấy có được thái bình thịnh thế không phải dễ nên đã lấy ngày rằm tháng Giêng bình định “loạn chư Lữ” làm ngày để dân chúng cùng vui, nhà nhà trong kinh thành treo đèn kết hoa  thể hiện sự chúc mừng. Từ đó, ngày rằm tháng Giêng trở thành ngày tết dân gian “Náo Nguyên tiêu” 闹元宵. Thời Hán Vũ Đế, hoạt động tế tự “Thái Nhất thần” 太一神 ấn định vào ngày rằm tháng Giêng (Thái Nhất: vị thần chủ tể vũ trụ). Khi Tư Mã Thiên 司马迁 làm ra “Thái sơ lịch” 太初历 đã đem tết Nguyên tiêu xác định thành ngày tết trọng đại.

Sự tích 3: Nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu thời Tây Hán

Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình.

Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày một gian hàng xem bói trong kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều là “ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân”. Trong phút chốc, cả kinh thành Trường An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương Sóc bảo rằng:

“Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp”.

Nói xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng. Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng:

“Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm”.

Vũ Đế kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ suy nghĩ rồi nói:

“Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ hạ ăn đó sao”?

“Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn”.

Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết hai chữ “Nguyên Tiêu” liền hét lớn: “Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!” Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình.

Trên đây là những câu chuyện truyền thuyết dân gian về nguồn gốc của ngày rằm tháng Giêng. Hy vọng độc giả sẽ biết thêm được nhiều thông tin hữu ích sau khi tham khảo bài viết này. Chúc các bạn có một ngày rằm tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu vui vẻ, quây quần bên gia đình và người thân nhé!

Xem thêm tử vi 12 con giáp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *